• Bài viết mới

    Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

    Chuyện ở Davao

    Davao là thành phố lớn nhất ở miền Nam Philippines tính về diện tích đất. Từ thủ đô Manila, bay gần 2h mới đến được. Đây là địa phương trồng chuối và dứa nổi tiếng, góp phần đưa Philippines trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về 2 loại nông sản này. Nếu bạn sang Nhật hay Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí ở siêu thị ở Việt Nam vẫn thấy bày bán. Chuối thì dài, to trông rất đẹp mắt, còn dứa ( thơm) thì đều quả nhìn cứ như là từ một dây chuyền sản xuất công nghiệp chứ không phải là nông sản.
    Chuyện ở Davao
    Chuyện ở Davao
    Davao có biển và núi. Mà thật ra ở Philippines chỗ nào chẳng là đảo và núi rừng. Nên ngồi trên núi vẫn ăn được hải sản tươi sống, đặc biệt món cá ngừ đại dương gói lá chuối nướng, hay canh nghêu nấu lá ớt thì thôi rồi. Các bạn có có món sinh tố xoài xanh, tức xoài xanh của mình, xay nhuyễn, có chút muối để hãm vị chua, quyện với vị đường và sữa, ngon như trên đời này chưa có loại sinh tố nào ngon hơn. Khu trung tâm tp Davao nhỏ, nhà cửa xen lẫn trong những cây dừa, cây xoài, cây chùm ngây, cây me ….xinh đẹp như là một thành phố công viên. Tuy không sạch sẽ lắm nhưng không xô bồ, náo nhiệt như thủ đô Manila. Davao có núi cao, có ngọn Apo cao nhất nước, có nhiều bãi biển đẹp, nghe nói du lịch cũng phát triển lắm. Trong mắt tụi Tây, bãi biển ở Đông Nam Á, đẹp nhất là ở Philippines. Tony thì không tới đó, vì đợt này đi có 2 ngày, gấp rồi về có việc, chứ thường là đi công tác ở đâu cũng tranh thủ 1 buổi hay 1 ngày thăm thú phong cảnh địa phương. Đối tác đưa Tony đi về phía Tây, sâu vào trong núi. Khu này tương đối heo hút, hầu như không có khách du lịch, chỉ là các thương nhân đến giao dịch làm ăn, hoặc mua nông sản hoặc cung cấp vật tư nông nghiệp như Tony, mới mò đến đây.
    Vì phải thị sát những nông trường trồng chuối và dứa nên Tony đi khá xa tỉnh lỵ Davao. Càng đi, dân cư càng thưa thớt, cứ khoảng vài ba chục km có 1 thị trấn nhỏ. Xe chạy ngang những quả núi trồng toàn chuối hay dứa từ dưới chân đến ngọn, mình ngạc nhiên mãi, nói sao trồng được hay thế. Đất đai cũng chẳng tốt, thấy toàn đất xám pha sỏi cát. Hỏi mới biết là có những công ty chuyên dịch vụ, với những chiếc máy xúc của Mỹ to đùng, đào rất sâu thành các hố để trồng. Rễ đâm sâu xuống tới 2 mét nên khỏi tưới nước, nên trời khô hạn vậy mà cây vẫn tốt tươi. Phân thuốc thì được phun xịt bằng máy cao áp bán kính tới vài trăm mét. Công ty dịch vụ còn nhập cả máy bay để phun xịt từ trên cao như các nông trang bên Mỹ vậy. Công nhân hàng ngày sẽ đi vệ sinh cây chuối hay dứa, bẻ bỏ hết chỉ chừa lại 1 cây con để sau này thay thế cây mẹ, giúp dồn sức cho việc ra quả, dẫn đến quả to, đều. Lịch làm đất, bón phân, tưới nước, …..thống nhất nên nông sản có kích cỡ đều nhau, không có chuyện phân loại đến mấy phẩm cấp như ở ta. Dứa có 2 loại, dùng để ăn tươi thì khoảng 1kg/ quả, còn dùng ép nước hay đóng hộp thì 2 kg/quả. Chuối cũng vậy, một buồng chuối ( tiếng Anh gọi là a bunch of bananas) có 8-10 nải chuối ( hands of bananas, chắc nải chuối giống bàn tay nên từ nải dịch qua tiếng Anh là hand, các bạn trẻ nắm các từ này để dịch những cụm từ như u nang buồng chuối hay chuối cả nải nhé…), một nải có khoảng 20 quả, có 4 loại chính là xanh, vàng nghệ, đỏ bầm và vàng chanh. Nhưng ko có loại nào ăn ngon như chuối VN. Những công ty đa quốc gia lớn của Nhật hay Hàn, Mỹ, châu Âu…đều đến đây thuê đất để làm, rồi tự bao tiêu sản phẩm. Nghe bạn kể, hồi đó thương nhân Phi đang bán cho khắp thế giới, cái bị thương nhân Trung Quốc chơi vố đau. Đầu tiên là thương nhân TQ qua đặt quan hệ, mua giá cao ngất. Thế là tụi Nhật, Hàn…không mua được nữa, dần dần họ chán, tự thuê đất trồng, còn nông sản do nông dân Phi trồng quy mô nhỏ lẻ đều xuất quaTrung Quốc cả. Vụ lùm xùm biển Đông, Trung Quốc ngưng nhập chuối của Philippines làm bọn họ điêu đứng hết mấy tháng, nhưng sau đó, họ đồng lòng đi mở thị trường khác, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường. Sau đó Trung Quốc phải mở cửa trở lại, nhưng thương nhân Philippines giờ khôn, nói đưa tiền trước mới giao, chỉ chấp nhận thanh toán T.T advance( trả trước),
    họ liên kết với nhau, kiên quyết nói không với các hình thức thanh toán khác, không thì họ không bán. Chính vì vậy, hàng hoá đến cảng Thượng Hải, chính sách nhập chuối của Trung Quốc có thay đổi thế nào đi nữa thì thương nhân Trung Quốc mới là người thiệt hại.
    Nhớ đêm đi vô núi để ngày mai phun khảo nghiệm loại phân bón mới, đối tác đưa Tony đi vào rừng. Đầu tiên là đường nhựa, cứ khoảng vài km có 1 chốt gọi là check point, có lính bồng súng đứng, mở cửa xe, rà soát bom mìn trên xe. Sau đó là đường đất, tối om, và không còn các trạm checkpoint nữa. Cái Tony cũng hoảng, vì trước đó cũng đã diễn ra các vụ bắt cóc thương nhân nước ngoài. Cái Tony lấy cái áo vải jean ra mặc vào, nói đối tác ai hỏi gì thì nói tao người Phi. Nói tao câm và điếc bẩm sinh nha, tụi đối tác cười hả hả, nói mày thông minh quá, vậy mà cũng nghĩ ra được. Vì trước đó, có mấy thương nhân nước ngoài vào khách sạn, trình hộ chiếu ra, người của khách sạn thông đồng, bắn tin ra ngoài cho bọn bắt cóc biết, tụi nó nửa đêm ập vào bắt đi, giả bộ bắn bùm chéo nhưng chả chết thằng bảo vệ nào. Tony đưa hộ chiếu cho anh bạn cầm, nói mày làm sao thì làm, tao phải an toàn. Nói vậy chứ trong lòng cũng bất an, vì ngó ngoài xe, thấy xung quanh đêm tối mịt mùng, những dáng núi cao sừng sững, con đường chạy giữa rừng hun hút, không một mái nhà, không một bóng đèn, chỉ có những chiếc xe tải chạy ngược lại. Thỉnh thoảng mới có một cây xăng, nhưng thanh toán bằng thẻ tự động như bên Mỹ, vì ở đấy đã xảy ra nhiều trường hợp cướp tiền mặt.
    Xe ngừng lại ở một thị trấn nhỏ xíu giữa núi rừng hoang vu. Vào nhà nghỉ chắc là lớn nhất ở địa phương. Trên tường vẫn còn loang lổ những vết đạn của các lần chạm súng trước đó. Hai anh bảo vệ ra mở cửa xe, nhìn mình dò xét. Dưới ánh đèn neon mờ mờ, ông chủ nhà nghỉ hất hàm hỏi hỏi passport đâu, thấy cao to đẹp trai nên nghi là người nước ngoài, thằng kia nói không, thằng này người mình đó, bị câm và điếc tội nghiệp lắm. Cái ổng đòi ID card, tức chứng minh nhân dân, anh bạn lanh lợi nói nó cũng bị khùng khùng nên rớt mất cái cái miếng giấy để chứng minh là nhân dân rồi. Chứ sure nó là nhân dân. Tony cũng giả vờ ngây ngô liền, đưa tay hái hoa bắt bướm, gương mặt thanh tú lập tức chuyển qua trạng thái hoang dại. Ông chủ nhà nghỉ vẫn nhìn với ánh mắt nghi ngờ, vừa câm vừa điếc vừa ngáo ngơ đến nỗi giấy tờ tuỳ thân cũng rớt mất thì đến đây làm chi, thấy vậy, Tony lật đật bẻ viên sủi Upsa C bỏ vào ngậm trong họng, bọt trào ra khoé miệng trông thật tội nghiệp.
    Cái ông chủ hỏi ủa sao vậy, anh bạn Phi nói nó đói bụng đó, sùi bọt mép là lúc phải cho ăn, cho nó lên phòng đi. Ông tự nhiên thấy thương, nhìn mình ái ngại, kêu vợ ra lấy chuối ra đãi khách. Bà chủ từ nhà bếp chạy ra, nhìn sững sờ, đánh rơi dĩa chuối. Tony cũng há hốc mồm.
    Trời ơi, Quỳnh
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 comments:

    Đăng nhận xét

    Xây dựng nhằm mục đích chia sẻ văn hóa, cách nhìn đời với ánh mắt tích cực hơn cho giới trẻ.

    Item Reviewed: Chuyện ở Davao Rating: 5 Reviewed By: Tung Nguyen
    Scroll to Top